Trong năm ngoái, năm 2022 có nhiều yếu tố giúp số lượng học sinh, sinh viên học nghề tăng lên gần 2,45 triệu và cao nhất trong 5 năm qua.
Thu hút 2,45 triệu người học
Chia sẻ với phóng viên Báo Thanh Niên, ông Phạm Vũ Quốc Bình, Phó tổng cục trưởng Tổng cục Giáo dục nghề nghiệp, Bộ LĐ-TB-XH, cho biết tính đến tháng 12.2022, hệ thống giáo dục nghề nghiệp tuyển được gần 2,45 triệu học sinh, sinh viên, tăng khoảng 500.000 người so với năm 2021 và trong năm 2023 sẽ tiếp tục tăng cao.
Được biết, so với mục tiêu mà Tổng cục Giáo dục nghề nghiệp đề ra năm 2022 thì con số này tăng 17%. Trong đó, một số ngành nghề thu hút nhiều người học là máy tính, công nghệ thông tin, công nghệ ô tô, du lịch…
Trường CĐ, trung cấp ngày càng thu hút người học |
“Đây cũng là con số cao nhất trong 5 năm qua, tính từ năm 2018 đến nay. Cụ thể, năm 2018 đạt khoảng 2,2 triệu người học, năm 2019 và 2020 đạt 2,3 triệu. Riêng năm 2019, số lượng người học nghề chỉ đạt 1,95 triệu người học do ảnh hưởng của dịch “, ông Bình thông tin.Theo ông Bình, một trong những nguyên nhân khiến số lượng người học nghề năm 2022 tăng mạnh là công tác truyền thông rất tốt. Bên cạnh đó, trong bối cảnh chuyển đổi số, các trường CĐ, Trung cấp đã tận dụng nền tảng mạng xã hội để tiếp cận người học, tư vấn, hướng nghiệp để người học thấy được lợi thế của đào tạo nghề.
Ngoài ra, công tác phân luồng, định hướng nghề nghiệp được đẩy mạnh khiến quan điểm học ĐH không phải là con đường duy nhất để lập nghiệp được lan tỏa sâu rộng.
“Chưa kể giáo dục nghề nghiệp còn có lợi thế là số lượng ngành, nghề áp đảo với 800 ngành nghề bậc trung cấp và 400 ngành nghề bậc CĐ chưa tính trình độ sơ cấp và các khóa học ngắn hạn”.
Không phải “học dốt mới vào trường nghề”
Trong những năm gần đây, nhiều thí sinh đạt điểm cao đã từ chối nộp hồ sơ vào trường ĐH để chọn con đường học nghề.
Chẳng hạn, ở phương thức xét điểm thi tốt nghiệp THPT, thủ khoa Trường CĐ Kỹ thuật Cao Thắng đạt 26,1 điểm; thủ khoa Trường CĐ Kinh tế đối ngoại 25,55 điểm. Trong khi đó ở phương thức xét điểm học bạ, Trường CĐ Công thương TP.HCM có thủ khoa với số điểm 29,3. Ở mức điểm này, thí sinh hoàn toàn có thể đậu vào những ngành “hot” và trường ĐH tốp trên.
Tại Trường CĐ Kinh tế đối ngoại, năm nay có 977 tân sinh viên với mức điểm thi tốt nghiệp THPT từ 20 trở lên, chiếm khoảng 28% chỉ tiêu ở phương thức xét điểm thi và 1.700 em có điểm học bạ từ 22 trở lên, chiếm 48,57% chỉ tiêu ở phương thức xét điểm học bạ. Trường CĐ Kỹ thuật Cao Thắng cũng có hàng trăm sinh viên với mức điểm đầu vào hơn 22.
Trường CĐ, trung cấp ngày càng thu hút người học |
Lý giải về việc năm 2022 số lượng người học nghề tăng mạnh và không phải “học dốt mới đi học nghề” như quan niệm của nhiều người, ông Nguyễn Anh Tuấn, Phó hiệu trưởng Trường CĐ Công thương TP.HCM, cho biết: “Năm nay dịch -19 đã đi qua, các em không gặp khó khăn nhiều về việc đi lại và học tập. Trong khi đó, các trường ĐH tăng học phí lên quá cao cũng là một rào cản khiến người học nghĩ đến việc học CĐ, trung cấp để giảm gánh nặng chi phí”.
Ngoài ra, tâm lý người sử dụng lao động dần thay đổi, không quá coi trọng bằng cấp. Tất cả những điều đó làm cho tâm lý của phụ huynh và học sinh cũng thay đổi, lựa chọn học nghề nhiều hơn, theo ông Tuấn.
Thạc sĩ Trần Thanh Hải, Hiệu trưởng Trường CĐ Viễn Đông, cho rằng ngày nay việc học trung cấp, CĐ xong liên thông lên ĐH khá thuận lợi nên tốt nghiệp các em có thể vừa đi làm, vừa học liên thông.
“Chưa kể nhu cầu tuyển dụng lao động có kỹ năng từ các trường CĐ, trung cấp của doanh nghiệp ngày càng nhiều. Các em học thời gian ngắn từ 2-3 năm là ra trường và được doanh nghiệp tiếp nhận ngay. Các doanh nghiệp tư nhân và FDI cũng không quan trọng bằng cấp mà chú trọng nhiều đến kỹ năng và thái độ”, thạc sĩ Hải chia sẻ thêm.
Theo ông Phạm Vũ Quốc Bình, đầu ra tốt cũng là một nguyên nhân thu hút học nghề. “Các trường nghề hiện nay đào tạo không đủ để cung cấp cho doanh nghiệp. Hiện nhiều doanh nghiệp còn tham gia đào tạo và làm hội đồng thi tại nhiều trường, từ đó sinh viên tốt nghiệp là được nhận luôn. Không ít doanh nghiệp nước ngoài còn tài trợ thiết bị và chuyên gia sau đó tiếp nhận sinh viên tốt nghiệp sang nước họ làm việc”, ông Bình cho biết.
“Năm 2023 sẽ là năm tăng tốc của Giáo dục nghề nghiệp”
Ông Trương Anh Dũng – Tổng cục trưởng Tổng cục Giáo dục nghề nghiệp cho biết: “Trong năm 2023, chúng tôi định hướng phát triển hệ thống cơ sở GDNN theo hướng mở và linh hoạt, đáp ứng nhu cầu nhân lực của thị trường lao động, bảo đảm quy mô, cơ cấu và hợp lý về ngành nghề, trình độ đào tạo, chuẩn hóa, hiện đại hóa, có phân tầng chất lượng.
Nhà nước tập trung đầu tư một số cơ sở GDNN chất lượng cao và các cơ sở GDNN cho các nhóm đối tượng đặc thù phù hợp với khả năng đầu tư và huy động nguồn lực của xã hội.
Hiện nay, tỷ lệ lao động đào tạo có bằng cấp, chứng chỉ đạt khoảng 26,2%, phần lớn lực lượng lao động hiện chưa có bằng cấp. Do đó, yêu cầu đặt ra là cần tiếp tục nâng cao chất lượng nguồn nhân lực, mặt khác cần đào tạo, đào tạo lại lực lượng lao động do ảnh hưởng của Cuộc CMCN lần thứ 4 để tạo động lực bứt phá cho nền kinh tế.”
Tổng hợp từ Báo Thanh Niên và Tổng cục Giáo dục nghề nghiệp