Thầy Nguyễn Xuân Khang, Chủ tịch Hội đồng Trường Marie Curie, Hà Nội quyết định nhận nuôi tất cả các em nhỏ may mắn sống sót sau lũ quét ở Làng Nủ.
“Một tuần nay mọi người khóc, thầy Khang khóc”
Trò chuyện với báo Pháp Luật Online, nhà giáo Nguyễn Xuân Khang cho biết, trận lũ quét ở làng Nủ (Phúc Khánh, Bảo Yên, Lào Cai) đã tàn phá hết sức nặng nề.
Những em bé, học sinh bỗng dưng mồ côi bố mẹ hay chỉ còn bố hoặc mẹ chỉ sau một trận lũ quét khiến thầy không khỏi xót xa.
“Theo dõi thông tin, một tuần nay mọi người khóc, thầy Khang khóc! Khóc thôi ư? Phải làm gì để nguôi ngoai? Thế là nghĩ ra cách mình có thể làm nhận “nuôi” các cháu còn sống sót, bù đắp cho chúng nó, để chúng nó được ấm no, học hành ” – thầy Khang bộc bạch.
Thầy Khang cho biết đang nhờ nhóm phóng viên VTV phối hợp với phòng GD&ĐT huyện Bảo Yên và UBND xã Phúc Khánh lập danh sách các cháu từ 15 tuổi trở xuống, còn sống sót sau lũ quét ở làng Nủ, mồ côi hoặc còn bố mẹ.
“Đau thương quá! Chúng ta sẽ bù đắp cho các con. Các con sẽ được ấm no và học hành tử tế” – thầy Khang nói và cho biết Trường Marie Curie sẽ nhận “nuôi” các cháu ăn học cho đến 18 tuổi, bằng cách: cấp tiền 3 triệu đồng/bé/tháng, chuyển khoản trực tiếp cho bố mẹ hoặc người đỡ đầu của các bé. Dự án sẽ được thực hiện sau khi lập danh sách các bé chịu thiệt hại bởi lũ quét ở làng Nủ.
Cuộc nói chuyện ngắn gọn, thấm đẫm nước mắt của ông cháu
Thầy Khang cho biết hiện còn 14 người Làng Nủ mất tích, vì thế chưa thể có ngay danh sách cần có.
Thầy Khang thông tin thêm, em Nguyễn Văn Hành là học sinh đầu tiên của Dự án nuôi trẻ em và học sinh làng Nủ sau lũ quét. Em mất bố, lũ quét đã cuốn trôi đi người mẹ. Vì thế, sau trận lũ quét, Hành chỉ còn lại một mình.
Thầy Khang biết về em sau khi xem phóng sự trên báo Thanh Niên. Vì thế, thầy đã tìm mọi cách liên hệ để có thể kết nối với cô Nguyễn Thị Hồng, Hiệu Phó Trường THPT số 1 Bảo Yên.Thầy Khang cho biết, sáng nay cô Hồng đã đến bệnh viện thăm em Hành. Cô Hồng đã kết nối điện thoại để thầy Khang có thể trò chuyện với Hành.
Được sự đồng ý của thầy, PLO xin phép đăng tải lại cuộc chuyện trò thấm đẫm nước mắt của 2 ông cháu:
Hành: Con chào thầy ạ!
Thầy Khang: Chào Hành! Sức khoẻ của con hôm nay ra sao?
Hành: Dạ thưa, con khá hơn hôm qua.
Thầy Khang: Con kể thầy nghe con bị thương như thế nào?
Hành: Con bị gãy xương quai xanh, đầu gối bị va đập, người bị xây xát…
Thầy Khang: Hiện con ăn uống có được không? Ăn gì, ngày mấy lần?
Hành: Con ăn cháo, ba bốn lần mỗi ngày, mỗi lần ăn 1 cốc nhỏ.
Thầy Khang: Bố mẹ con sinh năm nào?
Hành: Dạ bố con sinh 1972, mẹ con sinh 1983.
Thầy khang: Bố mẹ con bằng tuổi con trai của thầy, con hơn cháu nội út của thầy 1 tuổi. Vậy thầy nhận con là cháu nội đồng ý không?
Hành (khóc): Dạ được ạ.
Thầy Khang: Trong phóng sự của Báo Thanh niên hôm qua con chia sẻ: Con không muốn học nữa, sẽ đi làm để kiếm sống. Bây giờ ông nội sẽ giúp con đủ tiền để ăn học. Ông và các cô giáo của con đều muốn con tiếp tục học xong lớp 12 và học lên nữa, con đồng ý không?
Hành: Con đồng ý ạ!
Thầy Khang: Vậy ông nội sẽ cho Hành mỗi tháng 3 triệu (sau khi đã hỏi ý kiến cô hiệu phó về tình hình chi tiêu ở đây), khi nào có việc đột xuất cần thêm thì nói với ông. Ngày mai cô Hồng sẽ đi mở tài khoản ngân hàng cho con. Hàng tháng ông gửi tiền vào tài khoản đó.
Hành hứa với ông như thế nào?
Hành: Con hứa với ông sẽ chăm học để tốt nghiệp. Còn học gì nữa cho con suy nghĩ thêm, cuối năm học con nói.
Thầy Khang: Con hứa rồi nhé. Cố gắng lên con nhé!
Thầy Khang còn cho biết, đang nhờ cô Hồng mua giúp thầy một chiếc điện thoại tặng cho Hành để ông cháu có thể thỉnh thoảng nói chuyện.
Trong chiều ngày 17-9, sau khi em Hành có tài khoản ngân hàng, thầy Khang đã gửi cho sinh hoạt phí tháng 9-2024 và tiền mua điện thoại.
“Có tài khoản mới, có suất học bổng đầu tiên phần nào sẽ an ủi cậu bé mồ côi- tương lai không còn “mờ mịt” nữa” – thầy Khang bộc bạch.
Trước đó vào tháng 2, Thầy Nguyễn Xuân Khang đã chi 100 tỉ đồng xây trường tặng bà con Mèo Vạc – huyện biên giới nghèo của tỉnh Hà Giang.
Làng Nủ là nơi vừa trải qua trận lũ quét kinh hoàng gần như xoá sổ cả thôn vào sáng ngày 10-9. Đất đá từ dãy núi voi đổ sập xuống cuốn trôi, vùi lấp hàng chục ngôi nhà. Tổng số người thiệt mạng là 52 người, số người mất tích hiện là 14 người, 87 người được an toàn. Các lực lượng chức năng vẫn đang tích cực tìm kiếm số nạn nhân còn lại đang bị mất tích. |
Theo Báo Pháp luật Online